Phản ứng Bạo_loạn_tháng_5_năm_1998_ở_Indonesia

Phản ứng của chính phủ

B. J. Habibie tuyên thệ nhậm chức tổng thống sau khi Soeharto từ nhiệm. Sau đó ông bổ nhiệm một đội điều tra sự thực về bạo loạn tháng 5.

Bạo lực tại Medan thu hút sự chú ý của các nhân viên an ninh quốc gia. Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia là Tướng Wiranto đi kinh lý các khu vực chịu tác động vào ngày 6 tháng 5 và phái quân đến giúp khôi phục ổn định trong thành phố. Hai ngày sau đó, Trung tướng Prabowo Subianto của Kostrad triển khai một trong những đơn vị của mình "đi hỗ trợ binh sĩ địa phương và đảm bảo với công chúng rằng các lực lượng khác sẵn sàng đến các khu vực gặp khó khăn khi có nhu cầu". Tuy nhiên, bạo lực vẫn không được kiềm chế khi bạo loạn tiếp tục tại Medan trong ba ngày nữa sau khi Wiranto đến, khiến công chúng tin rằng các đơn vị được triển khai ít thi hành mệnh lệnh.[27] Trật tự cuối cùng được vãn hồi khi tư lệnh quân đội khu vực là Yuzaini yêu cầu trợ giúp của các lãnh tụ cộng đồng và các tổ chức thanh niên để đội tuần tra địa phương làm việc cùng lực lượng an ninh.[28] An ninh kém tích cực tiếp diễn khi bạo lực leo thang tại Jakarta, và những nhà lãnh đạo quân sự phụ trách an ninh tại thủ đô—Wiranto, Prabowo, và Susilo Bambang Yudhoyono—vắng mặt.[29] Phản ứng của quân đội và cảnh sát tại thủ đô là mâu thuẫn. Các binh sĩ tại khu vực phía bắc của Mangga Besar bị cho là đứng bên và cho phép những kẻ cướp ra đi với hàng hóa cướp được.[30] Tại Slipi ở phía tây, các binh sĩ được cho là liều mạng để bảo hộ thường dân.[31]

Tại Surakarta, đại diện quân đội là Sriyanto bác bỏ các cáo buộc rằng quân đội sao lãng, ông tuyên bố rằng lực lượng hạn chế do một số đơn vị đang trên đường đến Jakarta, trong khi vài đơn vị còn lại hỗ trợ cảnh sát kiểm soát những người kháng nghị tại Đại học Muhammadiyah. Đại bộ phận, quân đội mô tả bạo lực "theo quan điểm các đám đông mất trí, hành động mất kiểm soát và tự phát, số lượng đông hơn lực lượng an ninh". Susuhunan Pakubuwono XII, quân chủ truyền thống của Surakarta, lên án bạo lực là hành vi "không phù hợp với các giá trị văn hóa của người Solo". Ông cũng xuất hiện hiếm hoi vào ngày 19 tháng 5 để biểu thị tình đoàn kết của giới tinh hoa với các nạn nhân của bạo lực. Trong một cuộc tập trung với 5.000 sinh viên tại cung điện, ông cam kết tượng trưng 1.111.111 Rupiah để hỗ trợ các yêu cầu cải cách của sinh viên.[32]

Tình hình hiển nhiên rằng Soeharto đã mất kiểm soát đối với các thủ lĩnh quân sự cấp cao, ông từ nhiệm một tuần sau bạo lực, vào ngày 21 tháng 5.[32] Hai tháng sau đó, ngày 23 tháng 7, người kế nhiệm là Bacharuddin Jusuf Habibie bổ nhiệm một Đội điều tra sự thực chung (tiếng Indonesia: Tim Gabungan Pencari Fakta, TGPF) để tiến hành điều tra chính thức bạo động tháng 5. Trong quá trình điều tra, đội gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân chứng sẵn sàng làm chứng, và đội chỉ có ba tháng để điều tra bạo động tại sáu thành phố. Dữ liệu thu thập được phần lớn đến từ các tổ chức phi chính phủ và Diễn đàn cộng đồng về đoàn kết dân tộc (Bakom PKB) do chính phủ bảo trợ, vốn đã biên soạn từ nhiều báo cáo của cảnh sát về các sự kiện.[33] Báo cáo đầy đủ tổng cộng có hàng trăm trang, song không bao giờ được đưa ra công chúng và chỉ các thành viên của đội, các bộ trưởng có liên quan, và một vài nhà nghiên cứu tiếp cận được. Truyền thông nhận được một bản tóm tắt gồm 20 trang bằng tiếng Indonesia và tiếng Anh, sau đó chúng được phân phối rộng rãi trên Internet.[33]

Phản ứng của công chúng

Người Hoa Indonesia tại Medan trở thành nạn nhân của các kẻ cướp địa phương, chúng đe dọa cộng đồng bằng bạo lực. Trước bạo động, người Hoa thường sử dụng các phương thức ngoài pháp luật để đảm bảo sự bảo hộ và an ninh cho mình. Do đó, các nhóm tống tiền từ người Hoa-đôi thi là các đại lý của chính quyền-xem họ là "bò sữa". Tuy nhiên, trong bạo lực, sau các đe dọa thường là cướp bóc các cửa hàng và doanh nghiệp do người Hoa sở hữu.[12] Người Hoa Indonesia tức giận và cảm thấy bị phản bội trước hành động này, nhiều người đào thoát sang Malaysia, Singapore, hoặc đến các địa phương khác tại Indonesia. Những người còn ở lại đối phó bằng cách vào các khách sạn do người bản địa sở hữu hoặc vũ trang bản thân tạo thành một nhóm phòng thủ cộng đồng.[34] Tuy nhiên, các thành viên của cộng đồng bản địa phân biệt sự kiện này với bạo lực bài Hoa trước kia do các đe dọa chống người Hoa là "một bộ phận của đấu tranh xã hội-kinh tế và chính trị của thành phố". Họ cho rằng bạo động bị kích động do các tuần hành của sinh viên hoặc những tên côn đồ muốn làm mất uy tín phong trào cải cách.[35]

Các câu chuyện về bạo lực tình dục với các thủ phạm hô các khẩu hiệu bài Hoa và các lời lăng mạ khác trong bạo động tại Jakarta khiến người Indonesia sửng sốt. Khi các sự cố bị cho là bạo lực do nhà nước bảo trợ, các tổ chức quốc gia và quốc tế lên tiếng nhiều hơn trong việc kêu gọi cải cách và chính phủ từ nhiệm.[36] Thủ lĩnh Muhammadiyah là Amien Rais lên án bạo lực tại Surakarta, ông nhìn nhận rằng tình hình tại đây mang tính phá hoại nhiều hơn là tại Jakarta. Tổ chức Hồi giáo này quản lý khu trường sở UMS, nơi sinh viên xung đột với cảnh sát vào ngày 14 tháng 5 kích động bạo lực tiếp đó.[20] Ông phát biểu rằng sự kiện Surakarta là hành động sắp đặt của một dalang (người điều khiển rối) thay vì là hành động quần chúng vô tổ chức, nó trở thành một tiêu đề quốc gia.[32] Không giống như tại Jakarta, các công dân địa phương tại Surakarta không nhìn nhận bạo lực trong thành phố của họ là bài Hoa. Hầu hết người Hoa đào thoát trong bạo lực trở lại sau khi tình hình lắng xuống, không như tại Medan và Jakarta.[37]

Phản ứng của quốc tế

Khi bạo động phát sinh tại Jakarta, chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh di tản "những người phụ thuộc và nhân viên không cần thiết". Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng khuyến cáo các công dân của mình rời khỏi Indonesia bằng các chuyến bay thương mại hoặc chuyến bay di tản do Hoa Kỳ tổ chức. USS Belleau Wood và Phi đội trực thăng hàng hải "Flying Tigers" của nó đóng tại khu vực trong kế hoạch di tản dự phòng các công dân Hoa Kỳ và nhân viên đại sứ quán, được gọi là Chiến dịch Bevel Incline.[38] Trong "Indonesia Country Report on Human Rights Practices for 1998" của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cáo buộc chính phủ của Suharto vi phạm "lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng". Báo cáo cũng đề cập rằng cảnh sát ném đá và bắn vào các ký giả ngoại quốc đang đưa tin một xung đột giữa sinh viên và lực lượng an ninh vào ngày 6 tháng 5.[39]

Khi tin tức về các vụ tấn công nhằm vào người Hoa Indonesia trong bạo động tiếp cận cộng đồng người Hoa quốc tế, bạo động bị dán nhãn là bản chất "bài Hoa". Trong một thư gửi Tổng thống Habibie, thủ lĩnh của Đảng Dân chủ Hồng Kông là Lý Trụ Minh viết rằng "mức độ nghiêm trọng của hai ngày náo loạn này gợi lên so sánh với các cuộc tấn công chống người Do Thái của chế độ Quốc xã."[40] Người Hoa tổ chức hoạt động kháng nghị thông qua Global Huaren do một người gốc Hoa là Joe Tan tại New Zealand lập nên. Tan lập ra trang thông tin nhằm phản ứng trước "vẻ lãnh đạm" khắp thế giới và truyền tin tức về bạo lực đến các chuyên gia và đồng sự. Các thành viên sau đó phối hợp biểu tình trước các đại sứ quán và lãnh sự quán của Indonesia tại các thành phố chính trong Vành đai Thái Bình Dương.[41] Đoàn kết từ cộng đồng quốc tế đem đến một nhận thức mới về dân tộc và quốc gia trong người Hoa tại Indonesia "do hy sinh cho người khác quá lâu".[42]

Sau các hành động kháng nghị trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Bắc Kinh trong tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền trực tiếp kêu gọi chính phủ Indonesia đảm bảo sự bảo vệ đối với các cộng đồng người Hoa Indonesia.[42] Trong một chuyến công du đến Jakarta vào tháng 11, Thủ tướng Trung Quốc Giang Trạch Dân phát biểu "người Hoa Indonesia sẽ không chỉ phục vụ... ổn định trường kỳ của Indonesia, mà cũng... phát triển ôn hòa của quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia láng giềng."[40] Tại Trung Quốc, bạo động được gọi là "Thứ năm Đen" (黑色的五月), theo một phim tài liệu VCD về các sự kiện của Nhà xuất bản Phát thanh Truyền hình Trung Quốc phát hành trong tháng 10.[43] Chính phủ Đài Loan đe dọa rút đầu tư từ Indonesia, được ước tính là 13 tỷ USD vào năm 1998, và ngăn chặn người lao động Indonesia vào Đài Loan, đương thời số người lao động Indonesia tại Đài Loan đạt 15.000. Đài Loan viện dẫn các lời đe dọa "dựa trên các nguyên tắc bảo vệ Hoa kiều và bảo vệ nhân quyền". Ngày 9 tháng 8, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Hamzah Haz đi máy bay sang Đài Loan và xin lỗi về bạo lực trong khi xúc tiến đầu tư vào Indonesia. Đồng thời, một phái đoàn của Đài Loan họp với Bộ trưởng Quốc phòng Wiranto, cũng như một số bộ trưởng khác.[40]